Luận Đạo - Nguyễn Long Thành
ID027627 - Sách : Luận Đạo - Nguyễn Long Thành 🖶 Print this Sách
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Long Thành (1942-1998)

  • 1. Ngôi Phật Mẫu.

    1. Ngôi Phật Mẫu.

    Chí Tôn là Phật, Phật Mẫu là Pháp, Càn Khôn thế giới là Tăng.

    Đó là ý niệm ba ngôi của học thuyết Cao Đài, hay là sự thể hiện của Thượng Đế ở ba trạng thái. Trái với lời diễn giải thường dùng ở Đông phương, khi bàn về Thượng Đế có khuynh hướng đi lần từ một chấp nhận tiên khởi, đến các ứng dụng của ý niệm siêu việt về nguồn gốc vũ trụ trong sự cấu thành các vật thể lẻ tẻ.

    Chúng ta hãy bắt đầu từ sự quan sát hiện tượng của thế giới hữu hình trước, rồi dùng suy luận liên tưởng đến các nguyên lý tổng quát của vũ trụ và sau cùng, khi mà trí đã đến gần được những nguyên lý ấy thì hãy dùng tâm mà cảm biết, tức là dùng trực giác để ngộ được điều mà Lão giáo gọi là lý.

    Lối diễn giải nầy phù hợp với những người chịu ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương hiện đại, quen nhìn sự vật với con mắt khoa học, chẳng hay cũng chẳng dở nhưng thích hợp với một số người mà thôi, cái hữu hạn của ngôn ngữ khi dùng để nói Đạo là vậy.

    Bây giờ chúng ta hãy đi vào một hiện tượng vật lý để tìm hình ảnh của Phật Mẫu.

    Có một số ít kiến thức khoa học ai cũng biết rằng cho Oxy và Hydro tác dụng với nhau trong một số những điều kiện về tỉ lệ hóa hợp xúc tác..v..v.thì sẽ có nước sinh ra. Khi đó khoa học khám phá ra điều nầy thì nước đã có từ lâu rồi trong thiên nhiên.

    Phân tích như vậy chúng ta thấy ba điều :

    Thứ nhứt: Trong thiên nhiên có một nguyên lý rằng nước là hợp chất tạo bởi hai nguyên tố là Hydro và Oxy.

    Thứ hai: Điều kiện để hóa thành nước là phải có tỉ lệ thể tích hai phần khí hydro và một phần khí Oxy và một điều kiện khác nữa thuộc về môi trường tổng hợp tia lữa, hổn hợp khí nổ cho phản ứng hóa hợp. Những điều kiện này chúng ta tạm gọi "trật tự của sự diễn biến" hay là dịch lý.

    Thứ ba: Nước đã tạo thành và hiện có mặt trong thiên nhiên.

    Phân tích xong kết luận cũng rồi, hãy để cho trí óc suy luận một chút, có nước tức phải có phản ứng hóa hợp tức nhiên phải có nguyên lý cho phép một sự sanh thành như vậy. Cái nguyên lý rằng có một sự sanh thành trong vũ trụ gọi là Đức Háo Sanh của Đại Từ Phụ là "trạng thái" thứ nhứt hay là ngôi một của ý niệm Thượng Đế, gọi tắt là Phật hay Chí Tôn. Trật tự của những sự diễn biến hay dịch lý là trạng thái thứ nhì là ngôi hai của ý niệm Thượng Đế gọi là phép hay pháp tức là Phật Mẫu.

    Kết quả của những sự diễn biến hay dịch lý là vật thể được tạo thành, trong thí dụ trên là sự có mặt của nước trong vũ trụ "kết quả nầy gọi là Tăng", bao gồm cả những hiện tượng hiện có trong càn khôn thế giới hữu hình cũng như vô hình.

    Những cái chứa đựng ấy thật mênh mông, chẳng thể nào kể cho hết được mà học thuyết Cao Đài chia thành tám loại, gọi là bát phẩm chơn hồn:

    . Vật chất,
    . Thảo mộc,
    . Thú cầm,
    . Người,
    . Thần,
    . Thánh,
    . Tiên,
    . Phật.

    Chữ Phật ở đây chỉ một giai đoạn tấn hóa của một linh hồn, trạng thái của một tiểu ngã khi nhập vào đại ngã, một tiểu hồn hòa vào cái đại hồn của vũ trụ, nó khác nghĩa với chữ Phật trong ba tiếng Phật, Pháp, Tăng.

    Hiểu vậy thử hỏi có Chí Tôn có Phật Mẫu không ? Hãy nhìn vào nước như là một vật để cho trí mình trả lời những câu hỏi sau :

    - Có phản ứng sinh ra nước không ?

    - Có nguyên lý về sự hóa hợp để sinh ra nước không? Hãy nhìn vào vũ trụ bao la với những quả tinh cầu chi chít, vòm trời vô tận với những sinh vật, dưới làn da vô số những tế bào, trong hơi thở có vô vàn những nguyên tử... Rồi để cho trí óc mình trả lời.

    - Có những phản ứng để sinh thành những vật thể ấy không ?

    - Có nguyên lý cho phép một sự sinh thành như vậy không? Chớ trả lời vội vì trí hơi rối bời với những lý luận và thắc mắc.

    Bây giờ là lúc phải học Đạo bằng tâm, ngừng lại một chập có thể vài ngày vài phút, đôi ngày, vài năm hay gần hết cuộc đời cũng nên, để cho sự yên lặng bao trùm lên cả tâm và trí mình, tỏa ra cả một vùng chung quanh mình thì một ánh sáng nhiệm mầu từ nội tâm sẽ trả lời dứt khoát rằng có hay không một "Bà" Phật Mẫu mà ngày nào chúng ta còn bám víu vào cái hữu thinh hữu sắc chắc khó lòng cảm ứng được.

  • 2. Khai Đạo Khai Tâm.

    2. Khai Đạo Khai Tâm.

    Đạo là cái gì mà có thể bế và khai được. Chữ Đạo là một danh từ chẳng thể giải thích nổi, nó mô tả một cách không vẹn toàn cái thực thể thâm diệu mà Lão Giáo cầu nơi chúng ta sự cảm ứng hơn là thích nghĩa. Thực thể ấy bất tiêu bất diệt, không có khởi thủy, không có hồi chung cuộc, chẳng biến hình biến dạng. Thế tại sao có ngày Khai Đạo ?

    Chúng ta biết rằng Đạo Cao Đài là một tôn giáo có triết lý đặc sắc của nó. Triết lý ấy không phải là một sự vá víu, vay mượn của các giáo thuyết khác đem về chấp nối một cách vụng về và được thần thánh hóa bằng cơ bút.

    Không phải cứ chép một đoạn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, một đoạn trong Kinh Thánh Tân Ước trộn lẫn với vài lối giải thích siêu hình của các nhà thần học Tây Phương mà vẽ nên hình Chí Tôn, Phật Mẫu được bao giờ.

    Bởi vậy chữ Đạo mà chúng ta thường dùng chẳng phải cứ suy luận từ tư tưởng Lão Giáo mà thấu triệt được, nó đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn bao quát tất cả các triết lý cổ kim mới hiểu được điều hiện thực ở đàng sau danh hiệu ấy. Đó là cái gốc khởi sự phát sanh sự sống của muôn loài, tuôn tràn từ gốc ấy đến các cảnh giới siêu phàm và hiện hữu len vào trong từng diễn biến của các hiện tượng trong đời sống của cá thể cũng như tập thể.

    Chữ Đạo vì vậy có muôn ngàn nghĩa lý khác nhau, người chỉ nên tìm hiểu chớ đừng định nghĩa. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu một khía cạnh nhỏ trong vấn đề Khai Đạo hay Khai Tâm.

    Cái lẽ thâm diệu trong trời đất gọi là Đạo, chẳng bao giờ có bế cả nên cũng chẳng có khai, nhưng cách hướng dẫn người đời nên Thần, nên Thánh, nên Tiên, nên Phật cũng gọi là Đạo thì có hồi hiệu nghiệm, có hồi không, nên cách hướng dẫn ấy có thời thịnh buổi suy, nên người đời mới gọi là bế Đạo và khai Đạo.

    Vậy cái hình tướng thì thay đổi mà nội dung vẫn như nhiên, sự thất kỳ truyền chẳng phải do nơi đạo pháp mà chính tại lòng người. Chính Đức Chí Tôn đã minh giải điều ấy:

    "Nguyên từ buổi bế Đạo, tuy chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đắc Đạo cùng chăng ..." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q I, trang 38).

    Có bao giờ chúng ta dám đối diện với chính tòa thiên lương của mình, cả gan thách thức tìm cho được Đạo bị bế chỗ nào mà nay khai, hầu minh giải lời Chí Tôn cho thêm phần thiết thực. Giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật còn đó, diệu pháp bí truyền chơn Tiên còn đó, sao đã gọi thất truyền ?

    Phải chăng con người đã bế lại lòng mình bằng một vòng u tối, cô lập sự sống của mình trong vòng bản ngã, nên chẳng có cơ hội thấy được ánh sáng nhiệm mầu của Đạo, cảm thông được với sự sống dạt dào tuôn chảy ở khắp mọi nơi trong trời đất.

    Phải chăng chính tâm linh ấy mới có thể bế và khai, chớ Đạo mà Lão Tử thường gọi có ai đóng được bao giờ mà gọi là khai. Cho nên kỷ niệm ngày khai Đạo không phải là một đề tài suy gẫm về cái vẽ ồn ào náo nhiệt của một ngày đại hội, cũng không phải là một sự hồi tưởng lại về quang cảnh ngày này, năm xưa mà là sự suy gẫm về cái lý diệu huyền của nó.

    Kinh điển chứa đầy mà vẫn chưa thoát tục, đó là lời cảnh cáo nghiêm trang của Thiêng Liêng với chúng ta khi còn lặn hụp trong vòng thể pháp của Tam Kỳ Phổ Độ. Chính tâm linh của chúng ta đối với ta đang bị đóng kín lại và dĩ nhiên không ngộ được Đạo.

    Lập Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn trao cho chúng ta cái chìa khóa để tự mình mở nó ra với sự giúp đỡ của Ngài. Đó là sự khai tâm và khi tâm khai mở thì tức khắc ngộ được Đạo, nên khai tâm cũng là khai Đạo, hai điều ấy tuy hai mà một chớ chẳng có cái trước cái sau, nghĩa là chẳng có ý niệm thời gian nào xen lẫn trong đó.

    Khai Đạo vì thế chính là khai tâm vậy và khai tâm thì không phải là dễ. Nhứt nhứt mọi sự gì diễn ra trước mặt đều là một bài học cho chúng ta. Ngày khai Đạo diễn ra với bao nhiêu cảnh tượng huy hoàng, với vẽ uy nghi lộng lẫy của Tòa Thánh...nhưng tất cả chỉ là cảnh chết nếu thật sự tâm linh chúng ta không sống.

    Tiếp tục bế kín tâm linh mình lại chính là tiếp tục sống trong vòng cõi chết thì có bao giờ biết được sự sống là gì, trong trạng thái dật dờ như vậy, những lời nói về ngày khai Đạo của chúng ta chỉ là nét vẽ vời về cái hình tướng của Đạo, chưa phải là một sự sống thực với Đạo.

    Phải thực sự mở rộng lòng mình, yêu thương một cách chân thành không so đo tính toán, không có kẻ thù và người không thù, không có đối tượng tranh đấu nhằm triệt hạ, mới đúng là học đòi theo sự thương yêu của Chí Tôn, Phật Mẫu và đó là khai tâm vậy. Có được như thế thì ngày khai Đạo mới thật sự Khai Đạo, bằng không thì đó chỉ là một ngày Đại Lễ.

    Ngẫm vậy thay !

    Kỷ Niệm ngày Khai Đạo năm thứ 46
    NGUYỄN LONG THÀNH
  • 3. Phước Thiện và Kinh Tế.

    3. Phước Thiện và Kinh Tế.

    Một người ăn mày đi đến trước cửa một ngôi nhà chìa tay van xin, một người trong nhà bước ra bỏ vào tay ông một vật gì đó, ông xá lia lịa rồi bước đi. Ông đến trước nhà bên cạnh cũng một giọng khàn khàn thảm thiết ông kêu gọi lòng nhân từ của kẻ khác, cũng có một người trong nhà bước ra bỏ vào tay ông một vật gì đó rồi ông lại đi...

    Hai động tác giống y hệt như nhau là cho người ăn mày một món quà, nhưng chưa chắc đã là hai hành động phước thiện. Có thể ban cho kẻ van xin kia một đồng tiền hay bát gạo là cách xua đuổi vẹn toàn danh dự nhứt của người trong nhà, vừa được tiếng đời khen tặng là kẻ có lòng nhân, vừa tránh khỏi phải nghe những tiếng kêu than thống khổ của kẻ hành khất, làm quấy rầy cái cảm giác hả hê về điều gọi là hạnh phúc của người đang sống trong nhà.

    Ban cho kẻ khác tiền của chưa hẳn là làm phước thiện, làm việc chỉ vì động cơ muốn được người khác tặng cho mình cái danh làm phước cũng chưa phải là Phước Thiện, mặc dầu kẻ thật sự làm phước thiện thường ban cho người đời tiền của và cũng thường được người đời gọi tên như vậy.

    Chính yếu tố tâm linh ngộ được chơn lý hay không, mới quyết định hoạt động bên ngoài là phước thiện hay cái hình bóng của phước thiện, vắng yếu tố bên trong ấy, hoạt động bên ngoài chỉ là sự bắt chước, dẫu rằng đôi lúc sự bắt chước như vậy cũng rất cần thiết cho cuộc sống xã hội.

    Phước Thiện không phải là sự bắt chước, làm ra vẽ, mà phải bắt nguồn tự nội tâm rọi sáng vì ánh Đạo tâm. Ngộ được Đạo thì tức khắc có hành động biểu lộ tinh thần phước thiện, cách biểu lộ của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh có thể không giống nhau.

    Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, phước thiện không có nghĩa đơn thuần là bố thí, một tay bên đây giành giựt chèn ép sự sống của nhơn sanh, tóm thâu tiền của vào nhà, tay bên kia bố thí, thu mười cho một vẫn được tiếng người hay thí của, nhưng hành động đó không phải là phước thiện vẫn là sự tính toán nhiều lời ít lỗ, vẫn là cách thương yêu của cái trí so đo, chưa phải là tình thương vô lượng mà Đức Chí Tôn đã đặt vào tâm mỗi người.

    Tình thương ấy khiến chúng ta không thể nào rời bỏ cuộc đời được, chúng ta phải nhập thế, giải quyết những nhu cầu cấp thiết của đời sống thi phàm, tức phải quáng xuyến vấn đề kinh tế. Dĩ nhiên Phước Thiện không phải là kinh tế, nhưng Phước Thiện bao gồm kinh tế. Đời sống con người càng ngày càng chật vật vì chén cơm manh áo, nơi ăn chốn ở...

    Trên khắp hoàn cầu đâu đâu nạn nhân mãn cũng chực chờ đe dọa nhân loại. Nếu Phước Thiện là một lối bố thí hời hợt thì nó chẳng giải quyết được cái khổ trước mắt về nạn áo cơm của nhơn sanh, hóa ra tôn giáo chỉ là ảo tưởng siêu hình, hứa hẹn mà không giúp đỡ được gì.

    Phước Thiện là một lối hạ thấp giá trị của tôn giáo vào những vấn đề của đời sống thể xác, nhưng chính hành động đó lại là lối nâng cao giá của tôn giáo đến tuyệt vời, mô tả bằng những nấc thang Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng mà cái đỉnh cuối cùng của nó đồng thể cùng Chí Tôn vậy.

    Nơi mạng sanh của mỗi người chơn thần chỉ có thể nương náu được trong xác thân, lo cho đời sống của xác thân chính là lo cho chơn thần vậy. Một thân thể yếu đuối không thể là cái nhà tốt cho một chơn thần linh hoạt, đời sống của tín đồ nghèo đói thì khối tinh thần của những người trong tôn giáo vì đó mà liên lụy.

    Phước Thiện vì vậy là lối giúp cho khối tinh thần của tín đồ thêm vững mạnh, trọng vô bỏ hữu thì chẳng thể huờn nguyên tam bửu, tôn giáo không giải quyết được vấn đề kinh tế thì khó làm cho tinh thần nhơn sanh hiệp cùng Thiên Lý.

    Người làm Phước Thiện là người tổ chức đời sống kinh tế cho nhơn sanh với tinh thần vô vụ lợi cho bản thân mình. Buổi ra đi hai bàn tay trắng, lúc trở về cũng trắng tay nhưng nhìn lại quãng hành trình, thấy có những kẻ no cơm ấm áo cùng với những nụ cười thoải mái của nhơn sanh, ấy là công nghiệp của người tu Phước Thiện.

    Dĩ nhiên Phước Thiện chẳng phải vỏn vẹn có bao nhiêu đó mà còn nhiều nữa, kể cả những hoạt động thuộc phạm vi thần quyền. Triết lý Phước Thiện nằm trong tứ diệu đề của nhà Phật. Bốn cái khổ chính của con người là sanh, lão, bịnh, tử. Phước Thiện giải quyết từng vấn đề một, trong chủ trương lập nhiều cơ quan thiết dụng cho xã hội, như nhà bảo sanh, dưỡng lão đường, y viện, khách đình hay tổ chức "nhà thuyền" để lo việc tang tế, học đường hay các cơ sở kinh tế.

    Chủ trương ấy đã ghi thành luật hẳn hòi nhưng một bộ luật không cũng như triết lý suông, chẳng giải quyết được điều gì cả mà chỉ là nền tảng của công cuộc cải tạo xã hội.

    Một kế hoạch dù hay thế mấy, nhưng nếu không có đủ người điều hành đúng mức cũng chưa bảo đảm kết quả. Thành quả của Phước Thiện vì vậy phần nào tuỳ thuộc vào Cửu Trùng Đài là cơ quan giáo hóa nhơn sanh, phải tạo ra được những lớp người có tinh thần Phước Thiện thì mới có kẻ xông pha vào đời, quán xuyến các dịch vụ kinh tế và xã hội, trong tinh thần vô vụ lợi.

    Cổng trước là Cửu Trùng Đài, cổng sau là Phước Thiện rồi đến một chân trời bao la có đủ điều kiện cho một đời hằng sống. Phước Thiện vì vậy không phải chỉ là những hoạt động bố thí của cá nhân, như người đời xưa nay thường nghĩ mà nó còn là lối tổ chức đời sống hữu hình của xã hội, lấy tâm linh làm căn bản, đặt đúng vai tuồng quan trọng của kinh tế trong đời sống con người, nó khác với xã hội chủ nghĩa của các nhà duy vật lấy kinh tế làm căn bản.

    Đó là một đường lối lấy Đạo làm gốc, nhằm cải tạo xã hội bằng tinh thần đạo đức, thể hiện trong những hoạt động nhập thế vào các lãnh vực xã hội và kinh tế.

    Đường lối ấy kêu gọi tinh thần bố thí của cá nhân và tổ chức cho công cuộc bố thí có hiệu năng hơn. Không có tinh thần bố thí của cá nhân thì công cuộc tổ chức sẽ không thành tựu. Vì vậy mà cơ quan Phước Thiện đã lập ra sau Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

    Không có được tâm linh giác ngộ thì sự vầy đoàn xung quanh những lợi lộc về kinh tế, chưa hẳn sẽ bảo đảm nổi sự bình an cho những người trong cuộc, vì chính những mâu thuẫn nội tại của các vấn đề kinh tế trong luật cạnh tranh và tham vọng của những phần tử con người trần tục trong cộng đồng, sẽ xô đẩy cả một công trình kiến tạo xã hội vào sự rối loạn và tê liệt.

    Những cuộc khủng hoảng về kinh tế quy mô trong những tổ chức tôn giáo sẽ đưa đến những hậu quả tàn hại khôn lường về đức tin của tín đồ và uy quyền của Giáo Hội.

    Yếu tố keo sơn mầu nhiệm thực hiện nổi công cuộc cải tạo xã hội nầy chính là đức tin và sự khôn ngoan của tín đồ. Tài nguyên của tổ chức Phước Thiện chính là tài nguyên của cá nhân nằm lẻ tẻ khắp đó đây, đức tin và sự khôn ngoan vầy đoàn họ lại, kéo theo sự tập trung tài nguyên và nhân lực vào một cuộc chung sống quy mô.

    Khối tài nguyên được tập trung ấy có thể phân tán về phương diện tồn trữ, nhưng về phương diện vầy đoàn nó là một khối của cộng đồng, chẳng phải của cá nhân tuy rằng cá nhân có quyền hưởng thụ trên đó.

    Lấy tiền của nhơn sanh mà lo cho nhơn sanh, công nghiệp của người làm Phước Thiện ở chỗ lo lắng ấy. Sự tập trung tài lực nào cũng tạo nên một sức mạnh, khéo sử dụng thì bảo tồn vạn linh, không khéo sử dụng thì chính sức mạnh ấy lại làm khổ sở cho nhau.

    Đã mang lấy mãnh hình hài nầy, ai ai cũng phải có ăn mới sống, có mặc mới ấm, phải có nhà ở mới tránh được gió sương, cho nên kẻ nào nắm chặt quyền phân phát áo cơm trong tay, kẻ ấy có cơ hội bắt buộc thể xác nhơn sanh phải tùng phục quyền hành của mình, dù không bao giờ được toại ý trọn vẹn.

    Phước Thiện là đường lối chính trị giải thoát khổ nạn của nhơn sanh bị của tiền vật chất ràng buộc vào quyền hành của tham vọng, nó phá vòng ràng buộc chớ không nhằm thay đổi vai trò chủ nhân ông nắm quyền phân phát áo cơm.

    Nó nhắm đến sự điều hòa đời sống kinh tế của nhơn sanh, vì vậy can dự bằng chính sách và đường lối vào tổ chức kinh tế, nó không nhằm thỏa mãn tham vọng làm chủ của tiền vật chất tại thế gian của con người, nên không chấp nhận sự cạnh tranh sống chết giữa những con người và tổ chức mệnh danh là Phước Thiện.

    Phước Thiện không phải là một đường lối kinh tế tư bản cũng không phải là lối kinh tế rập khuôn theo kiểu kinh tế của xã hội chủ nghĩa, nó là một cách thực hiện đường lối Chánh Trị Đạo.

    Tại sao nó không tùng theo một khuôn mẫu kinh tế nào của thế giới cả? Bởi tự căn bản Đạo là con đường để cho các bậc Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo đó mà hồi cựu vị, để cho bậc nhơn phẩm do theo đó mà lánh khỏi luân hồi, nên đời sống kinh tế tuy cần ích cho sự sống thể hài, nhưng chính nó lại là sự ràng buộc con người với cõi tục.

    Phước Thiện là một lối mở ra nên tinh thần hoạt động phải đặt trên căn bản siêu thoát nghĩa là cứu cánh, không phải là vấn đề cơm áo, nhà cửa hay quyền hành điều khiển mà là một sự vượt lên trên tất cả các thứ ấy để trở về cùng cảnh hư vô.

    Nó không được phép nhầm lẫn cứu cánh với phương tiện. Cái quyền có của trở thành vô nghĩa đối với người làm phước thiện, tuy rằng đường lối ấy không tước đoạt quyền tư hữu của người sống trong cộng đồng, cũng không buộc họ phải hy sinh trọn vẹn cho một tương lai hứa hẹn ở thế hệ mai sau hay ở xứ Thiên Đàng, trái lại hễ làm thì có ăn, hợp quần trong tình thương, tức là có sức mạnh và mức sản xuất sẽ gia tăng, nhu cầu vì vậy được thỏa mãn.

    Và sự thỏa mãn ấy chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề khác của đời tu, cho nên đạt đến tình trạng sung mãn về kinh tế, Phước Thiện không phải là tự mãn mà nó chỉ là một tư thế giúp cho con người đừng bị vướng kẹt vào đời sống trần tục nầy.

    Con người vốn từ đời sống vĩnh cửu mà ra, chỉ hiện thực trên mặt địa cầu trong khoảng thời gian ngắn, nên đời sống kinh tế liên hệ đến cái sống thể hài cũng chỉ hiện thực trong những khoảng thời gian ấy. Phước Thiện giải quyết nó đúng với tinh thần tạm bợ của một lần thác sinh, nên nó không nhằm đến sự chiếm đoạt của cải vật chất tại thế gian.

    Bởi nhịp độ gia tăng nhân số trên toàn cả địa cầu, cùng với những đòi hỏi tiện nghi cần thiết cho cuộc sống ngày càng tấn hóa của nhân loại, vấn đề kinh tế trở nên nghiêm trọng, nên người tu phải giải quyết nó chớ không chạy trốn.

    Phước Thiện ra đời là vì vậy nó giải quyết toàn vấn đề chớ không phải chỉ là những phản ứng lẻ tẻ có tính cách "động lòng trắc ẩn" của một từ tâm trước cảnh ngộ éo le chợt thấy trên đường đời. (Trích trong tài liệu "TRÊN ĐƯỜNG NHẬP THẾ" của Nguyễn-long-Thành)

  • 4. Tổ Chức Phước Thiện và Người làm Phước Thiện.

    4. Tổ Chức Phước Thiện và Người làm Phước Thiện.

    Nếu có kẻ bố thí của tiền cho người hành khất mà vẫn không phải là người từ tâm thì vẫn có những người làm việc trong các tổ chức phước thiện, ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu mà vẫn không phải là người làm phước thiện.

    Vấn đề không phải là tìm xem ai là người như vậy vì đó là sự phóng ngoại của một nội tâm bất ổn, vấn đề là sự hồi quang phản chiếu, nhìn vào nội tâm của chính mình, xem mình đang ở đâu trên dòng tiến hóa, làm cái gì, có phải là tu không. Đó là một cơn định thần định trí để xét nét chính mình, hầu mai sau chơn thần khỏi phải dừng chơn ở nơi quan ải mờ mờ mịt mịt để xét nét.

    Bất cứ ai đi vào đường tu cũng là người làm việc trong tinh thần phước thiện, dầu cho sở hành của họ chẳng trực tiếp liên quan gì đến các vấn đề áo cơm, nhà cửa. Tinh thần phước thiện bao quát trong sự nhập thế còn vấn đề kinh tế là một khía cạnh nhỏ, người nhập cuộc vào các tổ chức phước thiện lại là một vấn đề nhỏ hơn.

    Mỗi mỗi đều có vai trò của nó, hoặc bao quát, hoặc chuyên biệt, nhưng tất cả đều nằm trong một bộ máy và cần phải đạt đến tình trạng thông suốt giữa tất cả mọi vai trò.

    Tinh thần phước thiện không phải chỉ có trong những quyển sách triết lý, trong những bài thuyết Đạo mà nó phải hiển hiện trong cách tổ chức, trong hành động của người làm phước thiện và ngược lại, người làm phước thiện không phải là kẻ thừa hành của một chính sách, chỉ biết vâng lời một cách máy móc các chỉ thị mà chính là kẻ vừa sáng tạo chính sách vừa là kẻ thừa hành chính sách, bởi chính sách phước thiện bắt nguồn từ tâm chớ không bắt nguồn từ vật.

    Đây là một điểm cực kỳ diễm lệ của tinh thần dân chủ trong tổ chức tôn giáo, nó từ chối hẳn lối chỉ huy độc đoán trong mối tương quan "Sư bảo thì đệ phải nghe". Tinh thần phước thiện còn bao quát được cái nhìn thấu triệt đến những người làm phước thiện ở bên ngoài các tổ chức phước thiện, ở ngoài các tổ chức tôn giáo, họ ở khắp mọi nơi trong hoàn cầu.

    Người làm phước thiện có thể chẳng có một danh hiệu nào liên hệ đến hai chữ phước thiện cả, có thể cũng chẳng ai biết đến họ cả, chẳng ai xưng tụng công đức họ cả, còn tổ chức là phương tiện, môi trường thuận tiện để cho người có lòng từ tâm dễ dàng hoạt động. Đó là những cơ quan thuộc về xã hội, nó biến hình biến dạng theo thời theo lúc, nhưng vẫn giữ căn bản đạo đức trong tinh thần và cách thức tổ chức.

    Trong tổ chức phước thiện luôn luôn có những hình tướng tước phẩm, quyền hành, để làm lợi khí phàm trần độ người phàm trần. Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không phải là cứu cánh, không thể đạt đến nó bằng dục vọng, bằng sự cầu xin lạy lục Thượng đế ban cho hay bằng sự vâng lời thượng cấp một cách vô minh mà là cái gì tự nhiên mà đến, nếu chính mình thực sự tấn hóa.

    Và khi con người đã tấn hóa đến mức đồng hóa được với điều mà các chữ "thập nhị đẳng cấp thiêng liêng" muốn diễn tả thì cái ý niệm, từ mình phát xuất về những gì liên quan đến mười hai cấp thiêng liêng tự nhiên biến mất, chỉ còn trơ lại "một thực thể không có cấp nào" mà các chữ ấy muốn mô tả là Đạo vậy.

    Tổ chức phước thiện tự nó không giải thoát lấy mình với phương tiện mà tổ chức phước thiện giúp cho một phần. Bạn đồng hành của mình cũng chẳng giải thoát được mình, sư của mình cũng chẳng giải thoát được mình, họ chỉ giúp đỡ mình thôi. Vấn đề là phải hiểu Đạo và hành Đạo, hiểu được tinh thần phước thiện và làm việc phước thiện.

    Chẳng bao giờ có sự hiểu biết đích thực nào mà chẳng kèm theo hành động, cái hiểu mà không hành động là cái hiểu ở ngọn của trí, không phải là cái sáng ở gốc của tâm.

    Phước thiện là sự sáng ở tâm, không phải là sự chấp nhận hời hợt của trí về đường lối triết lý hay sự khuyến dụ của bất cứ ai. (Trích trong tài liệu TRÊN ĐƯỜNG NHẬP THẾ Của NGUYỄN LONG THÀNH)

  • 5. Nhân Đạo và Vấn Đề Tình Dục.

    5. Nhân Đạo và Vấn Đề Tình Dục.

    Ngót bốn mươi lăm lập Đạo cho đến bây giờ, chúng ta chưa hề thấy có một lần nào Đức Chí Tôn hoặc các Đấng Trọn Lành giáng dạy chúng ta rằng, bổn phận về nhơn đạo phải ràng buộc trong sự ân ái, nhằm thỏa mãn những đòi hỏi dục tình của thể xác hai người nam và nữ.

    Luật lệ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cấm các tu sĩ lập gia đình, như vậy thử hỏi nhân sinh quan của Cao Đài giáo đối với vấn đề này ra sao?

    Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, câu mở đầu bài kinh hôn phối đã viết như sau :

    Cơ sanh hóa càn khôn đào tạo,
    Do âm dương hiệp Đạo biến thiên,
    Con người nắm vững chủ quyền,
    Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân
    (Kinh Hôn Phoi)

    Thì sự ăn ở giữa vợ chồng với nhau là một phép của Đấng Hóa Công, để tiếp nối cơ sanh hóa là đầu mối của sự luân hồi triền miên, vay rồi trả, trả rồi vay, chồng chất thêm mãi những sung sướng và khổ đau, vinh nhục luôn luôn đi kèm nhau...

    Trên bình diện luân lý, dường như Thượng Đế sẽ trở nên mâu thuẫn với chính Ngài, nếu chúng ta chấp nhận rằng "hữu sanh hữu tử" là đầu mối của luân hồi, đồng thời việc gối chăn giữa vợ chồng với nhau là nhơn đạo nghĩa là bổn phận mà con người phải lo tròn.

    Nói cách khác thanh niên nam nữ đến tuổi tuần cập kê nếu có kẻ nào từ chối việc lập gia đình, trong đó bao gồm cả sự thỏa mãn về tình dục giữa hai thể xác họ có bị coi như không tròn bổn phận nhơn đạo chăng? Triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dung hòa tất cả các giáo thuyết thì chữ nhơn đạo phải được hiểu như thế nào?

    Nếu nói rằng nhơn đạo nằm trong mối tương quan tam cang ngũ thường, tứ đức tam tòng tức là những bổn phận của một con người đối với những liên hệ về huyết tộc và hôn phối, đối với bạn hữu, đối với quốc gia xã hội thì Đức Khổng Tử có lần nào buộc tội Đức Thích Ca không tròn câu nhơn đạo chưa, khi vị Thái Tử từ chối không chịu tiếp nối những cuộc ái ân với người vợ để cương quyết ra đi tìm chơn lý?

    Phải chăng Đức Thích Ca đã có tội khi Ngài không chịu làm công việc thường tình của bao nhiêu kẻ khác đã làm?

    Phải chăng tất cả những vị Linh Mục Thiên Chúa Giáo đã phạm tội vì không làm bổn phận lập gia đình và có vợ ?

    Phải chăng tất cả những ni cô, nhà sư Phật Giáo đã mang trọng tội vì không chịu tìm một người khác phái mình để hợp hôn và sinh con đẻ cháu?

    Như vậy thì nhơn đạo là cái gì, là sự ràng buộc nào? Sự ràng buộc trong mối giao tế thường nhật giữa cá nhân con người này đối với cá nhân con người khác hay là sự ràng buộc về sinh lý giữa một nam một nữ ?

    Nếu như con người mất hẳn quyền tự chủ để định phận lấy mình theo những mối tương quan nhân quả thì cơ giải thoát cũng chẳng còn nữa. Bởi thế cho nên trong giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn không hề bắt buộc cũng không bao giờ cấm đoán sự kết nghĩa vợ chồng giữa hai người nam nữ trên mặt đất.

    Cái quyền tự chủ để định phận lấy mình Ngài đã giao trọn nơi tay chúng ta, Ngài yêu thương con cái Ngài đang sống trong trầm luân khổ hãi nên mới đến chỉ đường dẫn lối, cho rõ cảnh thăng cảnh đọa rồi tự chúng ta phải lập vị lấy.

    Sức một làm theo một, sức mười làm theo mười, tùy tài tùy lực, cái trí não tinh thần của mỗi cá nhân vốn chẳng đồng nhau nên chẳng có sự buộc ràng nào cả về mặt sinh lý giữa một nam một nữ.

    Trong quyển Phương Tu Đại Đạo, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc khi luận về đạo vợ chồng Ngài đã công khai nhắc nhở thanh niên nam nữ rằng, liệu như hoàn cảnh mình không đủ sức đùm bọc đời sống cho nhau thì đừng nên tạo thêm vòng oan trái :

    Hễ làm người phải biết lo xa,
    Nếu thiếu sức chẳng thà đừng có vợ.
    Biết thiếu thốn thôi đừng gây nên nợ,
    Phận yếu hèn mong đỡ nâng ai.

    Như vậy nhơn đạo không nằm trong sự ràng buộc về sinh lý giữa hai thể xác nam nữ mà nằm trong mối tương quan có tính cách giao tế giữa hai con người, khi hai kẻ ấy đã tự mình ký thỏa ước chung về cộng nghiệp là lập gia đình.

    Tạm gác ra ngoài phần tinh thần nơi mỗi cá nhân, hình hài nhục thể nầy của chúng ta được kết thành từ sự ân ái của hai thể xác nam và nữ trong thế hệ trước, nên trong bản chất của nó đã chứa sẵn mầm tình dục, với thời gian mầm ấy sẽ trưởng thành, thôi thúc chúng ta đi tìm và gây thêm oan trái, vòng lẩn quẩn lại bắt đầu.

    Đức Chí Tôn đến khai Đại Đạo, Ngài chỉ rõ cho chúng ta thấy diễn trình cuộc sống, lại đem cả huyền linh đặt sẵn ngay trên mặt đất nầy, kêu gọi và chờ đợi chúng ta biết nhận lấy mà giải thoát chính mình.

    Ngài sẵn sàng đảo lộn đời sống sinh lý trong nội thân chúng ta, xây chuyển ngược vòng nhơn dục, để đem chúng ta ra khỏi bánh xe luân hồi chuyển kiếp thì có lý do nào ở một nơi khác, Ngài lại cho phép chúng ta thay hình ảnh Ngài, nhơn danh Ngài mà trói buộc con cái Ngài vào vòng sanh tử, gọi là cái "nhơn đạo" của Ngài hay sao?

    Nền tảng siêu hình của học thuyết Cao Đài vẫn là sự huờn nguyên tam bửu, tức là trụ cả khối tinh, khí, thần, nuôi dưỡng cho những món quí báu đủ điều kiện kết thành một nhị xác thân, bất tiêu bất diệt mà nhập vào cảnh hằng sống thì chữ nhơn đạo dù bị giới hạn trong phần hình nhi hạ, cũng không thể nào được phép mâu thuẫn với chính nền tảng siêu hình của nó.

    Vòng thê tử luôn luôn có cái nhân của nó, cái nhân ấy do chính chúng ta gây ra nhưng chúng ta lại sợ hãi quả nghiệp nên cái trí tinh ranh, xảo quyệt của mình mới tìm ra những luân lý sắc bén để trấn an tâm thức, rằng đó là cái đạo làm người, rằng Đức Chí Tôn muốn thế.

    Cái trí xảo quyệt của chúng ta còn tìm cách xuyên tạc Thánh Giáo Ngài, đại ý nói rằng nhơn đạo tròn mới bước qua Thiên đạo, như là một điều kiện bắt buộc ai ai cũng phải có vợ có chồng rồi mới có thể đi tu theo Thánh ý của Ngài được.

    Buổi mới Khai Đạo, có biết bao người vừa thức tỉnh giấc mộng trần ai lại toan tìm đường lên non luyện thuốc trường sanh, phế bỏ việc làm ăn sinh sống của gia đình, trút hết gánh nặng của mình đã tạo ra, bỏ mặc cho xã hội, tìm đường chạy trốn cho được yên thân gọi là tu hành, Ngài thấy vậy biết chắc kết quả chẳng đi đến đâu, bởi luật công bình không dung thứ cho kẻ trốn nợ nên mới có lời khuyên như trên, tuyệt nhiên Ngài không hề khuyến khích tiếp tục cuộc ân ái chăn gối mà cũng không hề cấm đoán. Nếu Thái Tử Sĩ Đạt Ta không cương quyết dừng lại chuyện gối chăn thì giờ nầy nhân loại chưa có một Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Cho hay cơ Tạo Hóa tuy im lìm mà rất nên mắc mỏ! Chìa khóa giải thoát vẫn ở nơi tay mình vậy. Đức Chí Tôn trao cho thì chúng ta phải biết vặn lấy, nếu chúng ta chỉ cầm lấy mà ngắm thì cái chìa khóa trở thành vô dụng.

    Chữ khổ là bài học của trường đời, Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã chỉ cho chúng ta phương cách để giải quyết nó. Đó là Thiên Đạo, là đường lối của ông Thầy Trời đến để giải quyết cuộc đời, trong đó có những bổn phận của một con người hành sử ra sao trong toàn bộ kế hoạch giải quyết. Cho nên không có một Thiên Đạo khác với Nhơn Đạo cũng không có một khoảng cách nào giữa Nhơn Đạo và Thiên Đạo.

    Thế thường người ta vẫn quan niệm mặc được chiếc áo trường y, đi làm việc truyền giáo gọi là Thiên Đạo, còn không làm được việc ấy thì còn ở trong vòng Nhơn Đạo. Thử hỏi chức sắc được coi như kẻ đã tròn câu nhơn đạo, nghĩa là đã xong rồi, dứt hết, tại sao luật lệ Tam Kỳ còn cho phép tiếp tục chuyện gối chăn với vợ nhà?

    Vậy thì nhơn đạo trong giáo lý Cao Đài không nằm trong sự ràng buộc gối chăn. Ân ái vẫn là đầu dây của mối nợ chưa dễ gì thoát khỏi, duy có biết thì tìm phương giải quyết lần hồi mới ra khỏi được.

    Đức Chí Tôn không bao giờ buộc con cái Ngài phải trầm luân mãi mãi vào vòng trần tục, cho nên chữ nhơn đạo của Ngài không có nghĩa là bắt buộc phải thỏa mãn vấn đề tình dục giữa một nam một nữ, mà chỉ có nghĩa là những bổn phận của một cá nhân con người đối với những kẻ khác trong cộng đồng xã hội.

    Trên bình diện thu hẹp giữa một cặp vợ chồng, nhơn đạo đồng nghĩa với những bổn phận tương trợ cùng nhau, còn chuyện gối chăn là một nhu cầu sinh lý của thể xác, cũng như nhu cầu ăn, ngủ, cư trú vậy. Thỏa mãn những nhu cầu ấy, không ít thì nhiều chúng ta sẽ gây nên đồng thời những ràng buộc khác nữa, tính cách máy móc nối chằng chịt ấy được diễn tả qua câu kinh:

    Khối trái chủ những lo vay trả.
    Mới gầy nên nhân quả nợ đời.

    Giáo lý Cao Đài không chủ trương từ chối cuộc sống hiện tiền, không mơ ước một Thiên Đàng khác hẳn, nơi đó linh hồn sẽ thoát được những thực tại bất toàn của thế cuộc, trái lại vẫn coi cuộc sống nầy như là một phần trong đời sống vĩnh cửu.

    Đây là một giai đoạn tiếp nối và cũng là khởi đầu của những giai đoạn khác trong toàn bộ diễn trình cuộc sống, khi thì hiện thực trên mặt đất nầy, lồng trong mảnh hình hài của một phàm nhân, khi thì hiện thực trong những cảnh giới khác, trong những thực thể linh diệu hơn hay thô kệch hơn.

    Nói cách khác ý niệm về thời gian trường cửu và hiện tại vẫn là một, con người đang sống trong hiện tại và cũng là đang sống trong trường cửu. Cho nên chữ nhơn đạo không phải chỉ xây dựng trên nền tảng giá trị của một lần thác sinh, mà nó phải được nhìn thấy một cách bao quát từ một ý niệm phi thời gian. Có như vậy, thì nhơn đạo tròn mới bước qua thiên đạo được, bằng chẳng vậy nghĩa là còn ngó thấy sự cách biệt giữa những bổn phận về Nhơn Đạo và Thiên Đạo, thì chắc rằng chẳng có ai trên mặt thế nầy dám tự nhận mình đã làm tròn câu Nhơn Đạo.

    Việc kết nghĩa vợ chồng bao hàm cả vấn đề giải quyết sinh lý giữa một nam một nữ, phần nào cũng do những ràng buộc từ trước và cái hậu quả những hành động của chính mình trong cuộc sống hiện tại. Đó là một món nợ do mình gây ra. Chơn linh Bà Đoàn Thị Điểm đã có một lần giáng cơ minh định như sau :

    Toan để bút ngăn vòng chồng vợ,
    Thì lại e nghịch nợ tiền khiên.

    Nếu coi đó như một món nợ phải trả, phải chấp nhận và trong khi trả, lại gây ra những nợ khác song hành thì cái vòng lẩn quẩn vẫn còn lẩn quẩn. Như vậy thế mở của Chánh Pháp Cao Đài ở đâu?

    Làm sao có thể giải thoát được con người, câu trả lời vẫn nằm ở sự hiểu Đạo và hành Đạo. Sự hiểu biết đích thực luôn luôn bao hàm một hành động, vì chính nó cũng là một hành động vậy, sự hiểu Đạo vốn rất khác xa cái khả năng thuộc lòng giáo lý. Khi tâm thức được bừng sáng đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó, đại để là những công việc :

    - Phổ độ.
    - Làm phước.
    - Tu thân luyện kỷ, thiền định.

    Tức là lập công , bồi đức và định phận cho chính mình theo đúng luật công bình của Tạo Đoan. Đó là một sự trả nợ của chính mình, một lối mở đường thoát thân, công nghiệp phụng sự vạn linh trong sự sáng suốt của tâm linh.

    Tinh thần ấy hoàn toàn tự do và cá nhân mỗi người có được trọn quyền quyết định chuyện gối chăn giữa một nam một nữ, tuyệt nhiên nhân sinh quan Cao Đài Giáo không hề trói buộc ai vào vòng thê tử. Nhơn Đạo buộc mình phải có những bổn phận đối với những phần tử trong gia đình, khi đã tạo lập và không hề trói buộc ai phải chịu chìm đắm trong những sinh hoạt gia đình đời đời kiếp kiếp, cũng không hề trói buộc một nam một nữ khi đã kết nghĩa vợ chồng với nhau thì phải tiếp tục chuyện gối chăn cho đến chết, cũng không buộc đình chỉ việc ái ân sau một thời gian chung sống.

    Tâm thức bừng sáng với ánh Đạo đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó và đây là tinh thần ngũ chi hiệp nhứt. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng quan niệm chung về hạnh phúc của người Đông Phương thời xưa, ngoài những ước vọng về tiền tài và trường thọ, còn có một ước vọng sinh được nhiều con cháu.

    Quan niệm ấy đề cao sự truyền chủng tột độ, đến nỗi việc không có con nối dõi tông đường bị xem như là một tội bất hiếu. Nếu chịu khó đi sâu vào lãnh vực xã hội học, chúng ta sẽ thấy rằng quan niệm ấy có lý do để sinh tồn trong chế độ xã hội xưa là vì muốn bảo vệ quyền lợi của gia tộc.

    Bốn mươi mấy năm trước đây, Việt Nam vẫn còn theo chế độ phong kiến và trình độ dân trí còn nhiều khuyết điểm bị gò bó trong nền văn minh xã thôn, Đức Chí Tôn đến khai Đại Đạo, Ngài phải tùy theo phong hóa nhưng không bao giờ chấp nhận chế độ đa thê, song một số trường hợp đặt biệt nếu người trong cuộc muốn được như vậy :

    "Cấm người trong Đạo từ ngày ban hành luật này về sau không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối. Thảng như phụ nữ kia không có con nối hậu thì Thầy cũng rộng cho đặng phép cưới thiếp, song chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng." (Điều 9 - Chương Thế Luật - Bộ Tân Luật).

    Tuyệt nhiên Ngài không hề xác nhận rằng việc nối dõi tông đường là một bổn phận về nhơn đạo mà Ngài chỉ cho phép nếu chúng ta muốn. Đây là một điểm quan hệ vì nếu điều luật nầy được hiểu một cách máy móc thì học thuyết Cao Đài sẽ có những điểm mâu thuẫn nội tại.

    Nếu ngày nay chúng ta cũng đề cao chữ hiếu theo lối này, xem nhơn đạo bị ràng buộc trong bổn phận truyền chủng thì sự cách biệt về tôn giáo vẫn còn, hai tiếng Đại Đạo sẽ trở thành ảo tưởng, cái cơ duyên để dung hợp tất cả tinh ba giáo thuyết sẽ không còn nữa bởi tự trong ý thức về triết lý hãy còn chứa đựng "mầm chi phái", thể hiện trong quan niệm về một sự cách biệt giữa Nhơn Đạo và Thiên Đạo.

  • 6. Ý Nghĩa Ngày Lễ Vía Đức Hộ Pháp.

    6. Ý Nghĩa Ngày Lễ Vía Đức Hộ Pháp.

    Cái gì đã làm nên một Phạm-Hộ Pháp trong lịch sử Đạo Cao Đài để ngày nay mấy triệu tín đồ phải làm lễ vía hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch?

    Hẳn không phải là vì giờ đó, ngày đó, tháng đó, năm đó một con người mang tên Phạm Công Tắc đã tắt thở, cũng không là vì áo mão, khôi giáp mà Ngài đã mặc hàng ngày, không phải vì tàn lọng nghênh ngang, tiếng nhạc trổi rền vang theo từng bước đi vào chánh điện, cũng không phải vì chiếc xe đưa đón có kẻ hầu người hạ, cũng không phải vì cây cờ Thiên-Nhãn cắm trên xe, lại càng không phải vì những lời tuyên bố tự phong cho mình có một tư cách siêu phàm.

    Chính tư tưởng, lời nói, đức hạnh, hành động, khí phách của Ngài phô diễn ra trong suốt cuộc đời và sau khi chết đã làm nên một Hộ Pháp của Tam Kỳ Phổ Độ.

    Làm lễ vía Đức Hộ Pháp là làm sống lại tinh thần của con người ấy, nói cách khác là phải thực hiện lời giáo huấn của Ngài, phải thể hiện tư tưởng của Ngài bằng hành động, phải làm cho khí phách anh linh của Ngài bao trùm lên vạn vật.

    Chúng ta không thương vay khóc mướn, không suy tôn cá nhân làm thần tượng, chúng ta không lợi dụng danh thể, uy tín Ngài để tạo cho mình một chút ảo giác về điều vinh hạnh, hay để tỏ cho mọi người thấy rằng chúng ta cũng biết thương yêu, kính mến một con người đã dám hy sinh trọn cả cuộc đời cho đại nghiệp này.

    Trong đại nghiệp ấy Ngài không còn có của riêng nữa. Ngài viết sách dạy Đạo không giữ bản quyền vì một Hộ Pháp không có quyền tư hữu.

    Ngài là bạn thân của kim thạch, cát bụi, của cây cỏ lá hoa, của côn trùng điểu thú của người ăn cướp của kẻ thiện nhân, của Nhựt Nguyệt Tinh Quang, của Thần Thánh Tiên Phật.

    Ngài là bạn của bát hồn, của vạn linh, cái sống của Ngài bàng bạc khắp đó đây, không chút cách biệt nào giữa Đạo và Đời. Ngài đã đắm mình trong bể tục, Ngài đã bò lết trong vũng hôi tanh để giành giựt từng đứa con yêu ái của Đức-Chí-Tôn với quỷ quyền.

    Ngài không ngự trên đài cao chót vót của tháp ngà tư tưởng mà trái lại Ngài khóc tiếng khóc của nhơn sanh, Ngài cười, nụ cười của nhơn sanh, Ngài ăn miếng cơm của nhơn sanh, Ngài sống với nhơn sanh và cũng chết vì nhơn sanh.

    Cuộc đời của một Phạm-Hộ Pháp là như thế, không còn có một cái gì riêng tư nào nữa để lại mặt thế này sau ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi. Cây bút Ngài viết, cây đàn Ngài đánh, chiếc xe hơi cuối cùng Ngài đi, tất cả những kỷ vật ấy không còn là của riêng Ngài nữa, nó đã trở thành những bảo-vật của lịch sử một tôn-giáo. Cũng không còn có những trường phái, tông đồ nào gọi là tư riêng của Hộ Pháp.

    Giờ đây làm lễ kỷ niệm, Ngài không phải là để triển lãm những thành tích của một con người đang ngự trên mây xanh và chỉ được mời xuống thế, khi cần hợp thức hóa vài công việc bắt buộc phải có danh hiệu Ngài.

    Nếu như tâm trí chúng ta không thực sự cảm thông được với cái sống của Ngài thì dầu cho có muôn câu ngàn chữ, nắn nót thanh bai thế nào đi nữa đó cũng chỉ là cái thuật của chính trị. Với cái thuật không hồn ấy, Hộ Pháp sẽ trở nên một vai trò đáng thương trong nhân thế, vì Ngài chỉ còn là một danh hiệu nhìn qua lăng kính của thứ lợi quyền nào đó, kể cả lợi quyền về tâm lý. Ngài sẽ trở nên vô hiệu bởi những lợi dụng uy danh Ngài qua nét vạy tà nơi cỏi tục. Và cái sanh khí anh linh của Ngài chỉ còn có thể ngự ở cung trời xa thẳm.

    Với cái thuật không hồn ấy, khói nhang nghi ngút không đưa đón được Ngài, lễ nhạc rền vang không cầu khẩn được Ngài mà phải chính yếu tố tâm thành mới tạo được nguồn linh cảm. Sự chơn thật là khởi đầu mọi việc trên đường Đạo.

    Làm lễ vía Đức Hộ Pháp là làm sống lại tinh thần của Hộ Pháp, còn nếu như tâm chúng ta không hòa hợp được với Ngài mà chính trị lại đòi hỏi phải làm ra vẽ thì ngày lễ vía không trọn vẹn, và trước mắt nhơn sanh chỉ có hình của Hộ Pháp với chút khói hương đượm vẽ thần quyền.

    Trường đời vốn lấy giả thay chơn, nơi cửa Đạo lấy chơn thay giả, lễ vía Hộ Pháp cũng là dịp để chúng ta suy gẫm và hành động đúng nghĩa, cho xứng đáng là môn đệ đức Cao Đài.

  • 7. Nguyên Căn của Đức Hộ Pháp.

    7. Nguyên Căn của Đức Hộ Pháp.

    Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ,
    Pháp luân thường chuyển máy thiên thơ.
    Chưởng quyền cực lạc phân ngôi vị,
    Quản xuất càn khôn định cõi bờ.
    Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
    Hữu duyên Đông Á nắm thiên thơ.
    Hình hài thánh thể chừ nên tướng,
    Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.

    Căn cứ vào bốn câu thơ đầu của bài thơ trên thì nguyên căn Đức Hộ Pháp được giãi rõ.

    Ngài là một Đấng hằng hữu, khi vũ trụ thành hình thì đã có Ngài để quản xuất càn khôn định cõi bờ, còn các Đấng như là Vi-Hộ, Jésus, Phạm Công Tắc là những Đấng lâm phàm trong nguyên căn của Hộ Pháp qua từng thời kỳ tại địa cầu nầy, chứ không thể nói rằng Vi-Hộ trong đời phong thần là nguyên căn của Hộ Pháp.

    Và Hộ Pháp là gì?

    Là năng lực gìn giữ bảo hộ sự vận hành trong càn khôn vũ trụ từ lớn tới nhỏ, như vậy trước đời phong thần không có chơn linh của Vi-Hộ Pháp thì ai là người gìn giữ những nguyên lý, qui luật vận hành của vũ trụ, thí dụ như là các vì tinh tú xoay quanh một quỹ đạo trật tự an bày hay là lực hấp dẫn giữa các vì tinh tú đó.

    Vậy xin hỏi trước đời phong thần nầy thì càn khôn vũ trụ vận hành ra sao! khi không có quyền lực để điều khiển sự vận hành của nó?

    Không có nguyên căn của Hộ Pháp trong chơn linh của Thầy thì tức nhiên vũ trụ lúc đó không có quyền năng gìn giữ pháp.

    Chúng ta biết rằng Đức Chí Tôn là sự sống đầu tiên trong vũ trụ, biến hình ra vạn loại không tên không tuổi không gì cả. Tiếng Thượng Đế chẳng qua là danh gọi của con người đặt ra và tất cả mọi người đều hiểu rằng Thượng Đế là Đấng toàn năng còn Hộ Pháp là một năng trong số toàn năng có nghĩa là một phần sức sống đầu tiên ấy, nhưng chuyên biệt về một vấn đề bảo thủ những qui luật nguyên tắc của sự vận hành của vũ trụ.

    Trong Đạo giáo của Tam Kỳ Phổ Độ có một tiếng gọi đơn giản đó là chơn truyền của Đạo, không nói Thần học không nói gì cao siêu cho lắm mà nói là chơn truyền: Đức Hộ Pháp có nhiệm vụ gìn giữ chơn truyền của Đạo.

    Trong đời sống hạ thừa như là đời sống của gia đình chẳng hạn, đạo nhơn luân mỗi người phải cư xử với nhau đúng những bổn phận của mình, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ những luật tắt đó gọi là pháp.

    Nếu không có quyền năng của Hộ Pháp thì xã hội sẽ rối bời ra, cho nên chúng ta phải đưa về cái lý nhứt nguyên của nó. Tức nhiên Hộ Pháp là một chức năng trong cái toàn năng của Thượng Đế.

    Cái đó không có hình tướng gì cả, từ trong khối điện toàn năng đó, tạm gọi là điện chứ không có tên gì hết mới chiết ra một phần nhập vào hình xác của Vi-Hộ làm thành một quyền năng, sau nầy gọi là Hộ Pháp nghĩa là tinh thần của nhân vật Vi-Hộ đã nhập lưu được vào dòng thần lực của chức năng Hộ Pháp, kế tiếp nhập vào Jésus làm chúa cả Đạo Thánh, sau nữa nhập vào ông Phạm Công Tắc làm Hộ Pháp trong Tam Kỳ Phổ Độ.

    Chúng ta chỉ biết được qua sử sách có ba kiếp như vậy chứ còn thực ra chức năng của Hộ Pháp vẫn vô vàn tác động từ kim thạch, thảo mộc, thú cầm đến con người để gìn giữ những luật tắc trong càn khôn vũ trụ.

  • 8. Nguyên Căn của Đức Lý.

    8. Nguyên Căn của Đức Lý.

    Chúng ta thờ chơn linh của Lý Bạch làm Giáo Tông Đạo Cao Đài chớ chúng ta không thờ thi hào Lý Bạch làm Giáo Tông Đạo Cao Đài bao giờ. Chơn linh Lý Bạch là một khối thần lực của Thượng Đế từ tạo thiên lập địa đã có khối đó cũng giống như trường hợp của Đức Hộ Pháp.

    " ...chính tay ngài cầm bút viết :

    Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch.
    Hiện kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
    Quyền năng vưng thửa Thiên triều.
    Càn khôn thế giới dắt dìu tinh quân. (1)

    Căn cứ vào bốn câu thi trên, chúng ta có thể hiểu: nguyên căn của ngài bắt nguồn từ khối đại chơn linh (Ngôi Thái Cực) đã biến sanh ra một khối năng lượng sáng trắng to lớn vô cùng. (căn cứ Hán Việt Từ Điển Nguyễn văn Khôn - XB năm 1969 thì: Thái là rất lớn. Bạch là sắc trắng, rỏ ràng, sáng sủa).

    Như vậy, lúc khởi thủy của vũ trụ, ngài vốn không có danh xưng nhưng quyền năng thì vô cùng to lớn (ba câu thơ sau đã nói rỏ).

    Trải qua không biết bao nhiêu thời gian, cho đến lúc :

    Tinh quân thọ sắc thuở Phong Thần.
    Cho đến Đường triều mới biến thân.
    Thái Bạch Kim Tinh đang trị thế,
    Trường canh trích tử đến thăm trần. (2)

    Thì danh xưng Thái Bạch mới có ở đời Phong Thần. Đến đời nhà Đường ngài mới chiết chơn linh đầu kiếp là một đại thi hào Lý Bạch.

    Nay chúng ta tôn kính Ngài qua danh xưng trong một kiếp xuống trần của Ngài là Ông Lý Bạch, người có công trong nền văn học Trung Quốc đời nhà Đường. Chúng ta mượn kiếp này của Ngài để tôn thờ một quyền năng thiêng liêng cao trọng với danh hiệu "Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", Ngài đã và đang :

    Vâng linh Ngọc Hư nay xuống thế,
    Tam kỳ độ rỗi các nguyên nhân. (3)

    (1), (2), (3) - Trích quyển "Lời Thuyết Đạo" của Đức Hộ Pháp - Quyển ba trang 46.

  • 9. Ý Nghĩa Ngày Lễ Vía Mùng 9 tháng 1.

    9. Ý Nghĩa Ngày Lễ Vía Mùng 9 tháng 1.

    Khởi đầu từ chỗ không, không là con số zero (0).

    Bắt đầu cái có là con số một (1 ).

    Biến hóa tăng lên hoài đến số chót là số 9.

    Số học chỉ có từ 0 đến 9, muốn thêm nữa phải ghép lại. Theo thần học Đông Phương từ số một đến số chín còn tương ứng với các ngôi thứ như sau :

    1- Thái cực chỉ về nguyên lý cùng tột của tạo hóa.

    2- Lưỡng nghi là âm, dương; trời và đất.

    3- Tam tài: ba ngôi trời, đất và người.

    4- Tứ tượng: bốn thứ khí tượng : thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm, gọi chung là nhựt, nguyệt, tinh, thần.

    5- Ngũ hành: năm chất (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

    6- Lục hợp: sáu cái hợp thành (trời, đất, đông, tây, nam, bắc).

    7- Thất tinh: chòm sao Đại hùng (chòm sao Bắc đẩu).

    8- Bát quái: tám quả (càn, khảm, cấn, chấn, tồn, ly, khôn, đoài).

    9- Cửu thiên khai hóa - cửu thiên : chín phương trời (trung ương + tứ phương : đông , tây, nam, bắc + tứ ngung = bốn gốc), có thể hiểu là Thượng Đế đã mở mang khai hóa xong chín phương trời.

    (Các giải thích trên căn cứ vào "Hán Việt Từ Điển" của Nguyễn văn Khôn - Nhà sách xuất bản năm 1969).

    Chọn tháng 1 là tháng khởi đầu của năm.

    Chọn ngày 9 là số lớn nhất để hình thành Vía Chí Tôn. Khởi đầu của vũ trụ và cái kết quả sau cùng của nó là 1 và 9.

    Lý luận như vậy gọi là Thần học duy lý.

    Còn tu tâm cảm nhận được một sức sống nhiệm mầu gọi là Thần học duy linh.

  • 10. Phật Mẫu là Pháp.

    10. Phật Mẫu là Pháp.

    Phật mẫu là Pháp tức là nguyên lý sinh thành vạn loại trong càn khôn vũ trụ, vì vậy gọi là mẹ sanh. Đấp hình tượng người đàn bà gọi là Phật Mẫu tượng trưng cơ sanh hóa loài người.

    Mẹ sanh ra con thì con là hình thể của mẹ, biến hình hai mà một. Vì vậy Phật Mẫu có tình yêu thiêng liêng đối với con cái của người. Tình yêu thương là phép truyền thần tự nhiên khi bà mẹ phàm tục nhìn con say đắm khi bé ngủ trong nôi, Thần Thánh phò hộ cho chúng ta cũng vậy.

    Tổng hợp một phân tử nước, sẽ gặp một tỉ lệ cố định: H2 + 0 = H20.

    Tỉ lệ nầy là phép sinh thành nước trong vũ trụ. Nếu ghép theo tỉ lệ khác thì không phải là nước nữa mà là một thứ khác. Như vậy thử hỏi trong vũ trụ có sự hiện diện của những nguyên lý (Pháp) và do nguyên lý đó vạn loại mới thành hình, được hay không?

    Có chứ ! Cái khôn ngoan sáng suốt linh diệu đầu tiên đó gọi là Phật, tự nó có nên gọi là Chí Linh được tôn kính tột cùng gọi là Chí Tôn. Vũ trụ có nguồn gốc đầu tiên của nó gọi là Chí Tôn, còn nguyên lý tạo thành vạn loại diễn ra thế này, thế khác gọi là Pháp hay là Phật Mẫu.

    Vạn loại đã thành hình như trăng, sao, đất, nước.... là Tăng tức là hình thể của vũ trụ trong đó có con người.

  • 11. Cửu Vị Tiên Nương và Cửu Vị Nữ Phật.

    11. Cửu Vị Tiên Nương và Cửu Vị Nữ Phật.

    Trong quyển kinh "Thiên Đạo và Thế Đạo" do Hội Thánh ấn hành trong mục hướng dẫn cúng đàn tại Phật Mẫu hướng dẫn người tín đồ Cao-Đài xá ba xá niệm:

    . Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
    . Nam Mô Cửu Vị Tiên Nương.
    . Nam Mô Bạch Vân Động Chư Thánh.

    Nhưng khi tụng xong bài kinh "Xưng tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu", phần kết luận dạy niệm "Nam Mô Tạo Hóa Huyền Thiên Cửu Vị Nữ Phật".

    Suốt ba phần tư thế kỷ đã trôi qua trong lịch sử Cao Đài tại Việt Nam, không có mấy ai thắc mắc về Tiên Nương hay Nữ Phật cả, vì tâm hồn người tín đồ rất bình dị ăn sâu quan niệm Tam giáo đồng nguyên nên Tiên hay Phật gì cũng thờ kính hết.

    Khi vấn đề thờ Phật Mẫu theo những tín đồ di cư sang đất Mỹ, nơi vùng đất mới nầy con người có quyền tự do cá nhân rộng rãi hơn thì nó nổ bùng ra thành vấn đề tranh cãi với nhau về hai danh xưng nầy: Khởi đầu dạy lấy dấu mật niệm là "Cửu Vị Tiên Nương", cuối bài đọc "Cửu Vị Nữ Phật".

    Vậy chúng ta quan niệm như thế nào và tại sao có hai danh xưng như thế?

    Điều nầy không có gì khó hiểu vì Các Đấng ấy là một. Trong ngôn ngữ dân gian nếu bạn để ý thì thấy trong những chuyện thần thoại về quyền phép biến đổi thì người ta đề cập đến Tiên, khi nói đến sự giác ngộ thì đề cập đến Phật.

    . Giác ngộ là Phật.
    . Quyền phép là Tiên.

    Trong tinh thần tín ngưỡng của dân gian là như thế.

    Qua câu chuyện thần thoại chúng ta thường nghe một bà Tiên khi đưa cây gậy hóa phép từ một nơi nào đó, thành ngôi lâu đài tráng lệ hiện ra, hóa phép lần nữa ngôi lâu đài biến mất người ta gọi là phép Tiên. Còn Phật là sự giác ngộ, giác ngộ là Phật, mê muội là chúng sanh.

    Phép thần thông đối với Phật không phải là không có, nhưng phương tu theo Phật con người chú ý tới sự giác ngộ.

    Trong kinh điển Cao Đài buổi đầu các chơn linh đến dạy Đạo cho các vị tầm tu học Đạo, buổi ban sơ thì xưng là Cửu Vị Tiên Nương có nghĩa là quyền phép của các bà hay nói đúng hơn là các chơn linh nầy từ chỗ hư không, giao tiếp với người trần bằng cách xây bàn, cầu cơ làm thi họa với nhau, từ đó hóa thành một đạo Cao Đài giống như là một giấc mơ.

    Từ chỗ những bậc tiền bối xây bàn, cầu cơ tìm thú vui giải trí lạ hơn những chuyện thế tình mà nó biến hình ra được thành một tôn giáo đó là phép Tiên. Mười năm sau các vị nầy đã ý thức được việc tu hành rồi, mới cầu các Đấng xin kinh để tụng hoặc là tự mình sáng tác nhờ quyền Thiêng Liêng chỉnh lại.

    Bài kinh "Xưng tụng công đức Phật Mẫu" kết luận dạy niệm "Nam Mô Tạo Hóa Huyền Thiên Cửu Vị Nữ Phật".

    Chúng ta thấy rằng Phật hay Tiên cũng là các chơn linh đó thôi, nhưng phần sau với danh xưng nầy ý muốn nói đến sự giác ngộ, nếu chúng ta chấp ở từ ngữ thấy nó không hợp lý vì Tiên là Tiên, Phật là Phật, quen suy luận quen sống trong thế giới nhị nguyên đối tính, cho nên A là A, B là B không thể A vừa là A vừa là B được.

    Đã là Tiên thì không Phật, đã là Phật thì không Tiên, đó là cái nhìn trần tục của con người nê chấp vào từ ngữ chớ thật ra các Đấng ấy chỉ là sự sống cao diệu không có hình tướng, không có xác thân, không có tên tuổi gì hết.

    Danh xưng Tiên hay Phật do con người đặt ra để gọi các đấng cao cả mà trước đây đã theo đuổi một phương pháp tu hành nào đó, tu theo kiểu Thích Ca gọi là Phật, tu theo Lão Trang gọi là Tiên.

    Do quá trình tu hành của các Ngài trước đây mà người đời có danh gọi như vậy, chứ thực ra đã giác ngộ tức nhiên là có quyền năng tâm linh mà đã có quyền năng tâm linh, tức nhiên phải giác ngộ đó là hai mặt của sự sống linh hồn, các Đấng cao cả ấy khi thông công với loài người thì sử dụng ngôn ngữ của thế giới con người, để truyền đạt Thánh ý cho dễ hiểu.

    Vì vậy danh xưng Thần, Thánh, Tiên, Phật do các chơn linh ấy sử dụng. Nếu chúng ta không hiểu sâu về huyền lý rất dễ vướng mắc ở điểm nầy.

    Cửu Vị Tiên Nương hay Cửu Vị Nữ Phật vẫn là một và con đường tấn hóa của các Đấng ấy không ngừng nghỉ, giống như ánh sáng mặt trời soi rọi trên các hành tinh....

    Không phải Cửu Vị TIên Nương có công trong Đạo Cao Đài mới được thăng lên phẩm vị Phật theo cái hiểu thường tình của thế gian.

    "Một chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại, nên chi các con là Thầy, Thầy là các con."

    Khi nào tâm thức của chúng ta có cái nhìn như Đức Chí Tôn đã dạy thì sự tranh cãi kia không còn nghĩa lý gì hết.

  • 12. Ý Nghĩa Hai Chữ "Anh Lạc" Trong Bài Kinh Cứu Khổ.

    12. Ý Nghĩa Hai Chữ "Anh Lạc" Trong Bài Kinh Cứu Khổ.

    "Tự ngôn Quan Thế Âm anh lạc bất tu giải cần đọc thiên vạn biến tự nhiên đắc giải thoát".

    . Anh là quang đãng, sáng sủa.
    . Lạc là an vui.

    Có nghĩa là chính lời nói của Quan Thế Âm là sự sáng là niềm an vui. Bất tu giải là không cần cắt nghĩa thêm nữa chỉ cần đọc thiên vạn biến tai nạn tự nhiên đắc giải thoát.

    . Thiên là ngàn.
    . Vạn là mười ngàn.

    Ghép hai tiếng nầy có nghĩa là nhiều, chúng ta siêng đọc nhiều lần thì tai nạn tự nhiên qua khỏi.

    Về phương diện chữ nghĩa chúng ta giải như thế cũng tạm đủ hiểu được ý nghĩa của câu kinh đó, nhưng về phương diện thần học thì tại sao lời nói của Đức Quan Thế Âm lại là niềm an lạc là sự sáng cho con người.

    Chúng ta hiểu rằng một người đọc kinh cứu khổ, dù y không hiểu ý nghĩa câu kinh cho rõ lắm, nhưng y có lòng thành khẩn tin tưởng mãnh liệt vào Đức Quan Thế Âm, dầu y phát lên lời cầu nguyện lâm râm hay thầm kín khẩn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn thì sự thành tâm đó sẽ tạo nên một niềm giao cảm và nhờ sự giao cảm của sức sống tâm linh cao diệu, quyền năng vô tận của Đức Đại Từ Bi mới truyền đến tinh thần mình làm cho mình được sáng suốt hơn bình an hơn .

    Trong cơn nguy khốn, con người cầu viện đến sức mạnh tinh thần của chư Phật để hộ trì cho mình được tai qua nạn khỏi.

  • 13. Khái Niện về Địa Ngục Trong Kinh Điển Cao Đài.

    13. Khái Niện về Địa Ngục Trong Kinh Điển Cao Đài.

    Cõi Âm Quang.

    Đức Bát Nương Diêu Trì Cung khi giảng về cõi âm quang có nói đại ý rằng quan niệm về địa ngục, Diêm đình, phong đô, địa phủ, âm ty, Thập điện diêm cung.v.v.. các cõi giới đó đã bị mê tín gieo truyền nhiều trong đầu óc con người, nghĩa là giáo lý của các tôn giáo đã truyền dạy bị xuyên tạc bởi sự mê tín của quần chúng.

    Vì vậy trong Đạo Cao Đài, bà sáng tạo ra một từ ngữ mới gọi là Cõi Âm Quang để thay thế những quan niệm xưa đã bị hiểu lầm rất nhiều. Chúng ta cần chú ý điểm nầy. Sau đó, bà có giảng dạy rằng khi con người thoát xác, chơn hồn phải đi qua một cửa ải đệ nhứt sợ, đó là chỗ để xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Cõi đó đối với người làm nhiều tội lỗi là cõi tối tăm khiếm khuyết ánh sáng Thiêng Liêng, một nơi để giải thần định trí.

    Giải thần: tức nhiên là giải tán tà thần tức là những tư tưởng tà vạy của mình, tồn đọng trong ký ức của chơn thần.

    Định trí: là gom tư tưởng của mình lại để xét một vấn đề gì đó đừng cho phóng tâm hoặc là để không không chẳng nghĩ gì cả.

    Bà còn dạy rằng: " - Chớ chi nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang."

    Nghiã là Cõi Âm Quang nầy sẽ hiện ra khi nào chúng ta sống không biết xét mình. Còn nếu chúng ta lúc sống biết xét mình tức nhiên là biết tránh điều tội lỗi thì Cõi Âm Quang sẽ không hiện ra.

    Nói cách khác cõi địa ngục không có đối với người không tội lỗi. Vì vậy vấn đề địa ngục có hay không sau khi chết là do chính mình tạo ra lúc còn sanh tiền. Hiền thì thăng, dữ thì đọa là lẽ tự nhiên.

    Vây âm quang là chỗ phạt tù những linh hồn hung ác mà cũng là một trạng thái sống với những dày vò, đau khổ bởi quả kiếp xấu mà mình đã gây ra trong khi còn sống. Còn nếu như mình biết thức tỉnh lo tu hành giải thoát thì tự nhiên trạng thái sống sau khi chết, vẫn tiếp tục thong dong gọi là nhẹ nhàng siêu thoát, đó là con đường dành cho những người sống biết tu hành, tu đúng pháp và thành công. Cho nên trong kinh điển Cao Đài mô tả cả hai điều :

    - Cảnh đọa đày nơi địa ngục nay gọi là Cõi Âm Quang là có thật.
    - Và một điều nữa là khi mở Đạo, Đức Chí Tôn đã ân xá tội lỗi cho chúng sanh.

    Ngài đã làm thức tỉnh chơn thần của họ và hướng dẫn họ tu hành cho đắc Đạo thì tức nhiên đối với những người thành công trên đường tu, việc mở ra một nền Đạo có nghĩa là đóng địa ngục, đóng từ khi còn sống, không tạo ra tình trạng tối tăm tiếp nối sau khi chết, tức nhiên là "vô địa ngục, vô quỷ quan".

    Trong bài kinh Thuyết Pháp câu chót là:

    Khai cơ giải thoát mở tù phong đô.

    Thuyết pháp nghĩa là giảng Đạo, giảng về chân lý cho người ta hiểu được lẽ thật của cuộc đời mà lo tu hành. Dùng lời nói để thức tỉnh chúng sanh có nghĩa là mở tù phong đô cho họ.

    Tới đây chúng ta thấy khá rõ kinh điển trong Cao Đài nói về cõi địa ngục không có gì là mâu thuẫn cả, nếu chúng ta hiểu được lý sâu của Đạo. Còn nếu như căn cứ vào từ ngữ chỗ nầy nói đóng địa ngục mở tầng thiên, chỗ kia mô tả cảnh địa ngục thế nầy, thế nầy... chúng ta sẽ thấy dường như có mâu thuẫn với nhau.

    Không gian vật lý và không gian tâm lý, ấy là nói về phương diện kinh điển chánh truyền, còn về phương diện vật lý bạn thử đưa một ngón tay lên trước mặt, tại điểm đầu ngón tay của bạn đó, tọa độ không gian vật lý ấy hiện tại có biết bao nhiêu làn sóng điện của các đài truyền thanh, truyền hình gởi đi trong không gian xuyên qua tọa độ đó.

    Con mắt mình nhìn vào không thấy gì cả, nhưng mà chúng ta biết có những làn sóng điện ấy với kiến thức khoa học bây giờ. Tùy theo bạn chỉnh làn sóng máy thu thanh hay máy truyền hình của bạn ở tầng số nào thì sẽ bắt gặp sự sinh hoạt của đài truyền thanh hay truyền hình đó.

    Đối với không gian tâm lý cũng vậy nơi bạn đang ngồi đó cũng có đầy đủ những cõi giới từ Niết bàn đến địa ngục. Thế giới đó con người gọi là vô hình, nhưng thực ra chứa đầy đủ các cõi giới tâm linh sinh hoạt khác nhau.

    Vậy thì do nơi tâm lý sống của tâm linh mình mở ra ở loại nào mình sẽ giao cảm với loại sinh hoạt của tâm linh đó.

    Mình hành thiện, tức nhiên mình sống với cõi tâm linh Thần Thánh, mình mở ra cõi giới giao cảm đó từ khi còn trong xác phàm nầy, tức nhiên sau khi chết chơn thần mình vẫn tiếp nối con đường đó thôi.

    Nếu mình hành ác mình đã mở ra cõi giới tâm linh của ma quỷ thì sau khi thoát xác, chơn thần sẽ tiếp tục sống trong dày vò đau khổ gọi là đọa đày, đại khái là như vậy.

    Vì vậy cõi địa ngục vẫn có thường xuyên trong cõi không gian nầy. Cánh cửa mở để người ta đi vào cảnh giới đó là do không gian tâm lý mà trong buổi sanh tiền mình đã sống theo sinh hoạt loại nào.

    Vì vậy chúng ta phải ý thức rằng quan niệm về địa ngục là một nơi chốn mà cũng có nghĩa là một trạng thái của chơn thần. Ảo hay thật.

    Còn bây giờ nói về cảnh sinh hoạt trong kinh Sám Hối mô tả rất là ghê rợn để hành tội chơn thần con người ở cõi địa ngục, có thật hay không hay là những chuyện do tiền nhân bịa đặt ra để cho người ta sợ mà không dám làm điều ác. Những hình ảnh ấy có thật hay không hay chỉ là những điều bịa đặt do trí tưởng tượng của con người.

    Xin thưa:

    Đó là những ảo giác, ảo tưởng, hồi niệm mà chơn thần con người tiếp tục sinh hoạt sau khi rời khỏi thân xác, nó chịu ảnh hưởng của nền văn hóa mà mình sống đã hấp thụ được. Những cảnh mô tả trong kinh Sám Hối là loại ảo tưởng, ảo giác mà một số linh hồn đã trãi qua thật, những linh hồn này đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa vùng Đông Nam Á hay nói rộng hơn là vùng Á Châu.

    Tại sao như vậy?

    Chẳng hạn trong kinh Sám Hối chúng ta thấy những hình ảnh đọa đày như trụ đồng, hình bào lạc, đốt lửa lên cho nóng rồi trói người vào đó xát chà.

    Đó là những câu chuyện mô tả trong tiểu thuyết hoặc là sách vở của Trung Quốc kể lại chuyện Trụ Vương làm những điều tàn ác, bày ra những hình phạt để hành hạ con người.

    Tất cả những hình ảnh ghê rợn khác nhau đó, đều có chung ý nghĩa là diễn tả cảm giác đau đớn mà con người phải chịu khi sống trong cảnh địa ngục như là kết quả tất nhiên của một khoảng thời gian dài, mang xác phàm đã làm nhiều điều ác cho nguời khác, giờ đây phải gánh chịu sự đau đớn diễn tả bằng những hình ảnh đầy dẫy trong kinh Sám Hối, mình thấy như là mê tín dị đoan. Không phải mọi người đều bắt gặp hình ảnh như thế trong chơn thần đâu.

    Nếu như một người suốt cuộc sống ở vùng sa mạc hoang vu đâu có biết con cua kình ra sao, đâu có cảm giác đau đớn khi bị nó kẹp vào da thịt mình, thành thử đối với những người sống ở vùng sa mạc không có ao hồ, sông nước thì cảnh cua kình rỉa thây mô tả trong kinh Sám Hối sẽ không bắt gặp trong chơn thần, dù người đó có làm điều ác. Y sẽ gặp những hình ảnh khác có liên quan đến tư tưởng y đã nghĩ tới trong sinh hoạt lúc sống.

    Còn một loại nữa là những hình ảnh, âm thanh, cảm giác mà chơn thần y phóng ra một cách hỗn loạn chưa từng gặp trước đó nhưng cứ diễn đi diễn lại hoài. Những hình ảnh đọa đày nầy sẽ tan biến mất khi chơn thần định trí được.

    Đức Bát Nương đã nói: " - Cõi Âm Quang là nơi giải thần định trí "

    Định trí được thì những ma ảnh tan biến hết tức nhiên mình qua được một trạng thái sống tâm lý, vượt khỏi cõi lộn xộn đó, nghĩa là thăng tiến lên được một bước trên đường tấn hóa.

    Vì vậy, khi mới mở Đạo được vài năm, có một số nhà trí thức ở miền Bắc chuyển lời đề nghị của họ, yêu cầu Tòa Thánh cắt bỏ bài kinh Sám Hối, bởi vì nó đầy dẫy mê tín dị đoan trong đó. Hội Thánh không đồng ý xóa bỏ, dù vẫn biết rằng nó là những ảo tưởng, ảo giác, nhưng tình trạng đó nó diễn ra thật trong chơn thần của một số người và nó sẽ không có đối với người khác.

  • 14. Thờ Thiên Nhãn hay Thờ Con Mắt Trái.
    • A. Nguồn gốc biểu tượng thiên nhãn.

      A. Nguồn gốc biểu tượng thiên nhãn.

      Biểu tượng thờ phượng trong Đạo Cao Đài là hình Thiên Nhãn. Nguồn gốc của biểu tượng nầy do Ngài Ngô Văm Chiêu mặc khải vào năm 1921, trong thời kỳ còn làm quan trấn nhậm tại Phú Quốc, một hòn đảo ở cực nam nước Việt Nam.

      Nguyên vì Ngài là vị môn đồ đầu tiên của Đức Chí Tôn học Đạo bằng cơ bút, Đức Chí Tôn tá danh Đức Cao Đài dạy Ngài phải tìm một dấu hiệu gì đó để làm biểu tượng thờ phượng. Ý nghĩ đầu tiên của Ngài muốn chọn hình chữ thập, Đức Cao Đài Tiên Ông khuyên Ngài nên chọn dấu hiệu khác vì chữ thập là dấu hiệu riêng của một nền Đạo đã có rồi.

      Ngài suy nghĩ tiếp và cuối cùng được Đức Chí Tôn trợ thần cho Ngài thấy được huyền diệu Thiên Nhãn là hình con mắt hiện ra sáng lòa trong cái thấy của chơn thần Ngài. Lúc ấy Ngài đang ngồi trên võng phía sau dinh quận ở Phú Quốc.

      Sau hai lần chứng nghiệm huyền diệu nầy Ngài đã hiểu được Thánh ý của Đức Chí Tôn và tạo ra hình Thiên Nhãn để thờ. Biểu tượng thờ phượng đầu tiên này gồm có :

      · Một hình Thiên Nhãn phía trên.
      · Một hình chữ thập phía dưới và chữ viết.

      Thiên Nhãn là hình tượng mặc khải, có nguồn gốc thiêng liêng, dấu chữ thập là ý nghĩ ban đầu của Ngài Ngô Văn Chiêu định chọn, có nguồn gốc từ con người, bởi vậy trong biểu tượng thờ phượng đầu tiên nầy đã có ý nghĩa hai nguồn gốc Trời Người hiệp nhứt.

      Đến năm 1926 Đức Chí Tôn chính thức Khai Đạo qua khỏi thời kỳ phôi thay của Đạo Cao Đài là thời kỳ mà Đức Chí Tôn dùng nhiều hiện tượng huyền linh để thâu phục đức tin của vị môn đồ đầu tiên là Ngài quan phủ Ngô Văn Chiêu, một người đang có xu hướng tu Tiên.

      Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về cách thờ phượng, biểu tượng vẫn là hình Thiên Nhãn vẽ trên bề mặt của một quả cầu gọi là quả Càn Khôn cùng với 3.072 ngôi sao.

      Dưới quả Càn Khôn là long vị của:

      . Lão Tử.
      . Quan Âm.
      . Thích Ca.
      . Thái Bạch.
      . Jésus Christ.
      . Khương Thái Công.
      . Khổng Thánh.
      . Quan Thánh

      Không có hình chữ thập như kiểu mẫu của Ngài Ngô Văn Chiêu đã thờ nhưng vị trí sắp bày các long vị cũng theo hai nét một ngang một dọc, hàng ngang tượng trưng Tam Giáo, hàng dọc tượng trưng Ngũ Chi.

    • B. Ý nghĩa biểu tượng thiên nhãn.

      B. Ý nghĩa biểu tượng thiên nhãn.

      • 1). Con Mắt trái thuộc dương.

        1). Con Mắt trái thuộc dương.

        Mặc dù hình tượng mặc khải là một hình con mắt chói sáng như mặt Trời có tính cách thiêng liêng là một hình ảnh xuất hiện trước mắt Ngài Ngô Văn Chiêu, chừng hai thước tây nhưng khi vẽ lại con mắt ấy để thờ thì giấy mực, màu sắc chỉ là vật chất không sao diễn tả được trọn vẹn sức sống lung linh huyền diệu của nó gọi là Thần nên phải mượn hình ảnh con mắt thường của con người tượng trưng.

        Mắt người có hai con, mắt trái và mắt phải.

        Quan niệm truyền thống của Đông Phương cho rằng trong thân người trái thuộc dương, phải thuộc âm, trong vũ trụ dương là Trời, âm là Đất nên chọn biểu tượng con mắt trái để thờ, ý nghĩa là thờ Trời, vắn tắt như vậy.

      • 2). Nhãn thị chủ tâm.

        2). Nhãn thị chủ tâm.

        Năm 1926 Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy về ý nghĩa biểu tượng thờ phượng này nguyên văn như sau :

        ".. . Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng "con mắt" mà thờ Thầy, song Thầy cũng nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh.

        Nhãn thị chủ tâm,
        Lưỡng quang chủ tể,
        Quang thị Thần,
        Thần thị Thiên,
        Thiên giả ngã giả,

        Tạm dịch:

        Mắt là chủ của tâm,
        Hai yến sáng là chính,
        Yến sáng là Thần,
        Thần là Trời,
        Trời là Ta vậy.

        Diễn giải:

        Trong vũ trụ có một sự sáng tột cùng, tự mình biết sáng tạo ra hình thể của muôn loài vạn vật gọi là khối Đại Linh Quang, là Trời. Con người là tiểu vũ trụ, trong con người có một sự sống đồng thể với Đại Linh Quang nhưng nhỏ hơn gọi là Tiểu Linh Quang hay linh hồn, chơn linh, cũng còn gọi là tâm hay lương tâm.

        Tâm con người không hình ảnh nhưng trạng thái của nó thế nào đều hiện ra trong ánh mắt không thể che giấu được. Ngạn ngữ Tây phương nói: "Con mắt là cửa sổ của tâm hồn" cũng đồng nghĩa ấy.

        Hay nói cách khác: Nội tâm con người biểu lộ bên ngoài chủ yếu con mắt. Cái thấy của hai con mắt mới là chính, thấy được mới hiểu biết sáng suốt. Sự hiểu biết sáng suốt là Thần. Nơi con người Thần là Trời. Trời là Ta vậy. (Ta: lời của Đức Chí Tôn nói với người hầu đàn).

        Vì vậy thờ biểu tượng Thiên Nhãn là thờ tâm linh mà tâm linh con người là Trời (Tiểu Thiên Địa).

      • 3). Thần cư tại nhãn.

        3). Thần cư tại nhãn.

        Con mắt thường của con người là nhục nhãn chỉ thấy được ánh sáng hay màu sắc vật chất: như ánh sáng mặt Trời, ánh đèn, ánh trăng, các màu sắc đỏ, xanh, vàng, lam..v..v..

        Người tu đoạt pháp, tinh khí thần hiệp nhứt được, có thêm con mắt thứ ba gọi là Thần Nhãn hay Huệ Nhãn. Đó là loại năng khiếu tâm linh thấy được màu sắc, ánh sáng trong thế giới gọi là vô hình đối với con mắt thường.

        Chủ yếu của khoa bí truyền tinh luyện nầy ở chỗ làm cho yếu tố Thần của con người hiệp được với yếu tố Tinh, Khí. Chỗ chính hiệp nầy cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi con người phải có một đời sống thánh thiện mới thành công được.

        Mở tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn hứa sẽ "huờn nguyên cho chơn thần các con đắc Đạo".

        "Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế, lập Tam Kỳ Phổ Độ này duy Thầy cho THẦN hiệp TINH, KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

        "Từ ngày bị bế Đạo luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên Đình mỗi phen đánh tản Thần không cho hiệp cùng Tinh, Khí. Thầy đến đặng huờn nguyên chơn thần cho các con đắc Đạo.

        Con hiểu Thần cư tại Nhãn, bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ, nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó." (TNHT TG. 25-2-1926).

        Vì vậy thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa là sống tuân theo bí quyết siêu phàm nhập Thánh của Đức Chí Tôn chỉ dạy.

      • 4). Ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn trong các bí tích.

        4). Ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn trong các bí tích.

        Một số các phép bí tích như giải oan, tắm thánh, độ thăng, hôn phối có phần bí nhiệm là ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn, ứng hiện như một linh ảnh trong chơn thần của người chức sắc hành pháp, khi cuộc hành pháp hội tụ đủ ba điều kiện căn bản.

        - Người thọ nhận xứng đáng được hưởng ân huệ Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn ban cho.
        - Chức sắc có thọ truyền bửu pháp và thi hành đúng phần thể pháp.
        - Trạng thái Tinh Khí Thần của người hành pháp phải cường lực, thanh bai, an tịnh.

        Ấn chứng huyền linh Thiên Nhãn là một ký hiệu tâm linh có ý nghĩa sự chuẩn nhận, một ơn ân xá của Đức Chí Tôn ban cho người thọ nhận qua trung gian của chơn thần người hành pháp. Hành pháp không ấn chứng gọi là thất pháp.

        Huyền linh Thiên Nhãn này Ngài Ngô Văn Chiêu đã mặc khải được tại Phú Quốc lần đầu và sau đó nhiều tu sĩ Cao Đài khác cũng chứng ngộ được. Trong lãnh vực nầy mọi người phải tâm niệm rằng "Đạo pháp vô biên" và con người là một phần tử bé bỏng trước vũ trụ bao la, dù cho Thiên ân có ngập tràn trong các bửu pháp bí truyền, người hành pháp cũng chỉ là công cụ của Đức Chí Tôn mà thôi.

        Tóm lại tùy duyên nghiệp từ tiền kiếp và trình độ tấn hóa tâm linh của mỗi cá nhân con người, sự hiểu biết về triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không đồng đẳng cấp.

        Biểu tượng thờ phượng Thiên Nhãn tuy vẫn đồng một mẫu, hình con mắt trái, nhưng nhận thức về ý nghĩa của nó thể hiện qua nghi thức thờ phượng trên bàn thờ vẫn có vài khác biệt đã nói ở mục trước. Sự khác biệt ấy cũng là một cách thể hiện tinh thần Ngũ Chi phục nhứt, tất cả khác biệt đều qui về một hướng duy nhứt là Trời, tượng trưng bằng hình Thiên Nhãn ở phía trên.

        Con mắt trái là hình thể hữu vi thuộc về vật chất, Thiên Nhãn là cái lý nhiệm mầu, huyền bí thuộc lãnh vực siêu hình. Đạo Cao Đài mượn hình con mắt trái để thờ lý nhiệm và quyền lực vô hình, sâu kín, ẩn tàng bên trong mọi hình thể vạn loại trong càn khôn vũ trụ nầy, mà người đời thường vẫn gọi bằng một tiếng quen thuộc là Trời vậy.

        Nguyên văn lời Thánh Giáo Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy về cách thờ phượng ngày 17-9-1926 Ngài dùng tiếng "Con mắt Thầy" để chỉ hình Thiên Nhãn: ".. . trên vì sao Bắc Đẩu vẽ 'Con mắt Thầy', hiểu chăng ?"

        Sao Bắc Đẩu là sao giúp xác định phương hướng cho người đi trong đêm tối. Vẽ hình Thiên Nhãn trên chòm sao Bắc Đẩu còn có nghĩa là ánh sáng dẫn đường cho chúng sanh, tức là Đạo vậy.

        Điều ấy đủ cho chúng ta hiểu được: Thiên Nhãn là biểu tượng của lý nhiệm sâu xa, một sự sáng suốt tột cùng bao trùm cả càn khôn vạn loại, ý nghĩa vượt hẳn hình ảnh con mắt bên trái của con người phàm tục hữu sanh hữu diệt.